Thẩm định giá tài sản vô hình trong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngày nay vô cùng quan trọng, tài sản vô hình tạo được những giá trị riêng trên thị trường đảm bảo doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có những nguồn thu nhập ổn định và cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Giá trị của một doanh nghiệp hiện nay không còn nằm ở các tài sản hữu hình như: Bất động sản, máy móc thiết bị, công trình xây dựng, nhà xưởng…mà nằm ở các tài sản vô hình như: Giá trị thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, quyền thương mại, cơ sở dữ liệu, thông tin, nguồn nhân lực, bí kíp kinh doanh, khách hàng,…Đó là yếu tố tạo nên sự khác biệt của Doanh nghiệp.
Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra quyền, lợi ích kinh tế.Tài sản vô hình phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
- Không có hình thái vật chất; tuy nhiên một số tài sản vô hình có thể chứa đựng trong hoặc trên thực thể vật chất, nhưng giá trị của thực thể vật chất là không đáng kể so với giá trị tài sản vô hình;
- Có thể nhận biết được và có bằng chứng hữu hình về sự tồn tại của tài sản vô hình (ví dụ: hợp đồng, bằng chứng nhận, hồ sơ đăng ký, đĩa mềm máy tính, danh sách khách hàng, báo cáo tài chính, v.v.);
- Có khả năng tạo thu nhập cho người có quyền sở hữu;
- Giá trị của tài sản vô hình có thể định lượng được.
Ngày 7/01/2014 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 06/2014/TT-BTC về Ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 Thẩm định giá tài sản vô hình, tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế.
Tiêu chuẩn này quy định và hướng dẫn thực hiện thẩm định giá tài sản vô hình để phục vụ cho các mục đích mua, bán, chuyển nhượng, thế chấp, hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp, góp vốn, phân chia lợi nhuận, tranh chấp và tố tụng phá sản và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.
1. Các loại tài sản vô hình
- Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;
- Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật ví dụ như quyền thương mại, quyền khai thác khoáng sản,…;
- Các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên, các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp hoặc các chủ thể khác, ví dụ như danh sách khách hàng, cơ sở dữ liệu…;
- Các tài sản vô hình khác thỏa mãn điều kiện quy định sau: là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế.
2. Mục đích thẩm định giá tài sản vô hình
Giá trị tài sản cố định không có hình thái vật chất, nó thể hiện một giá trị đầu tư chi trả dần, được tính vào giá thành sản phẩm, như các giá trị mua bản quyền sản phẩm, bằng phát minh, sáng chế …
- Cho phép doanh nghiệp xác định chính xác hơn giá trị của doanh nghiệp
- Phục vụ cho việc xác định đúng các chi phí gắn với khấu hao tài sản cố định vô hình qua đó tính toán giá thành tốt hơn.
- Giúp thuận tiện cho việc mua bán trao đổi các tài sản vô hình giữa các doanh nghiệp, Giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc hình thành các dự án phát triển các loại tài sản vô hình của mình.
- Tài sản vô hình được thẩm định giá trong trường hợp: mua bán, chuyển nhượng; góp vốn liên doanh; tài cấu trúc doanh nghiệp: mua bán, sát nhập, chia tách, cổ phần hóa…; xử lý nợ; giải thể doanh nghiệp; đền bù, bảo hiểm, khiếu nại; hoạch toán kế toán, tính thuế.
3. Phương pháp thẩm định tài sản vô hình
- Phương pháp thẩm định giá dựa trên thu nhập
- Phương pháp thẩm định giá dựa trên thị trường
- Phương pháp thẩm định giá dựa trên chi phí
4. Hồ sơ yêu cầu thẩm định tài sản vô hình
- Bằng cấp, quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác nhận quyền sở hữu tài sản vô hình;
- Các hợp đồng, thỏa thuận kinh tế có liên quan đến tài sản vô hình;
- Tập hợp chi phí có liên quan đến tài sản vô hình.
- Bằng chứng chứng minh tính hiệu quả kinh tế khi áp dụng hoặc sử dụng tài sản vô hình.
- Các tài liệu khác có liên quan.